Từ lâu, việc sử dụng gối làm từ các loại thảo dược để ngủ ngon giấc hơn đã được nhiều người áp dụng và cho hiệu quả như mong muốn. Trong đó, gối ngải cứu là một trong những loại gối thảo dược được ưa chuộng hơn cả, mang lại những giấc ngủ ngon và phòng chống, hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý thường gặp. Tham khảo bài viết của Vua Nệm dưới đây để hiểu rõ hơn về gối ngải cứu và những công dụng của chúng nhé.
Nội dung chính
1. Gối ngải cứu là gì?
Gối ngải cứu là dòng gối thảo dược được phát minh ra nhằm mục đích giúp người dùng ngủ ngon và hỗ trợ trị liệu cho cơ thể. Hiện nay, nhiều thương hiệu chăn ga gối nệm lớn trên thị trường cũng chú trọng vào khai thác mảng này để phục vụ khách hàng được tốt hơn.
Nhìn bề ngoài, gối ngải cứu có thiết kế gần giống với một chiếc gối thông thường, tuy nhiên, ruột gối lại không sử dụng các chất liệu thường dùng như cao su, bông xơ, foam mà sử dụng lá, hạt hoặc rễ của cây ngải cứu sấy khô, sau đó tán mịn để tăng thêm sự êm ái khi sử dụng. Gối ngải cứu được sử dụng với mục đích chính là giúp ngủ ngon, giảm thiểu các cơn đau nhức và hỗ trợ điều trị các bệnh về cột sống, cổ vai gáy.
Ngoài thành phần chính là ngải cứu, gối ngải cứu còn có thêm một số hương liệu thảo dược khác nhằm tăng thêm mùi thơm, khả năng điều trị các bệnh về xương khớp, cột sống như hoa oải hương, bạc hà, hoa cúc….
Theo đông y, khi ngải cứu được phơi khô thì được gọi là ngải diệp. Nếu đem ngải cứu khô nghiền thành bột, lấy phần lông tơ trắng thì được gọi là ngải nhung. Gối ngải cứu có nhiều công dụng hữu ích đối với người dùng, tuy nhiên, nếu mua phải gối có chất lượng kém, hàng giả, hàng nhái thì hiệu quả sẽ không được như mong muốn.
2. Công dụng của gối ngải cứu
Ngải cứu được coi là “vị thuốc vàng” trong lĩnh vực đông y, mang đến nhiều công dụng cho sức khỏe. Khi ngải cứu được sử dụng để làm gối, công dụng của chúng lại càng được nhiều người biết đến hơn, mức độ sử dụng cũng ngày càng phổ biến. Gối ngải cứu đã được nghiên cứu và chứng minh có khả năng mang lại nhiều công dụng dưới đây:
- Hỗ trợ điều trị các bệnh về xương khớp: Gối ngải cứu có tác dụng hỗ trợ giảm đau nhức lưng, cổ vai gáy, bắp chân, đầu gối, đau bụng kinh, đau mỏi do thoái hóa xương khớp, đau cơ….
- Dùng làm gối chườm nóng: Gối ngải cứu có thể được tận dụng để làm gối chườm đa năng bằng cách làm nóng bằng lò vi sóng, sau đó chườm lên các điểm bị đau nhức.
- Cải thiện khí huyết: Gối ngải cứu còn có công dụng hỗ trợ lưu thông máu, tăng cường tuần hoàn máu, giúp giảm đau hiệu quả ở các vùng cơ và khớp bị đau.
- Thư giãn tinh thần: Khi bạn đang gặp phải các vấn đề như căng thẳng, stress thì việc nằm ngủ trên gối ngải cứu sẽ giúp tinh thần của bạn được thả lỏng, trở nên thư giãn và thoải mái hơn, phục hồi lại trạng thái thái tinh thần đầy năng lượng.
- Hỗ trợ điều trị các chứng đau và rối loạn thần kinh: Mùi hương của ngải cứu có tác dụng giống như một loại tinh dầu tự nhiên, có tác dụng dược lý mạnh, làm dịu các cơn đau, giúp các dây thần kinh được thư giãn trong một số trường hợp bị sốc hoặc phản ứng quá mức, nhờ vậy mà người bệnh có thể tỉnh táo và dễ chịu hơn.
- Gối ngải cứu giúp bạn ngủ ngon giấc: Nhờ khả năng hỗ trợ giảm đau nhức các cơn đau nhức xương khớp, cổ vai gáy, dây thần kinh, giảm bớt căng thẳng, stress mà gối ngải cứu có thể giúp bạn ngủ ngon giấc, chất lượng giấc ngủ được nâng cao.
- Thải độc: Khi chườm gối ngải cứu, cơ thể sẽ toát mồ hôi nhiều hơn so với bình thường, từ đó giúp giải độc hiệu quả cho cơ thể.
3. Đối tượng sử dụng gối ngải cứu
Gối ngải cứu là loại gối thảo dược có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh về xương khớp, đau dây thần kinh cho nhiều đối tượng, lứa tuổi khác nhau. Dưới đây là một số đối tượng thích hợp nên sử dụng gối ngải cứu để cải thiện sức khỏe:
- Người đang mắc các vấn đề về xương khớp như thấp khớp, thoái hóa khớp, thoái hóa đốt sống cổ, giãn dây chằng, thoát vị đĩa đệm…
- Người già, người trung niên, người làm việc văn phòng, lái xe
- Người thường xuyên phải vận động quá mức dẫn đến tình trạng đau nhức, mệt mỏi cơ bắp.
- Phụ nữ mang thai và sau sinh, người bị đau bụng kinh
- Người hay mệt mỏi, đau nhức cơ thể
- Những người từ 20 tuổi trở nên muốn chăm sóc sức khỏe với gối ngải cứu.
4. Hướng dẫn sử dụng và bảo quản gối ngải cứu đúng cách
Để phát huy công dụng của gối ngải cứu, bạn nên sử dụng và bảo quản gối đúng cách. Muốn sử dụng gối ngải cứu, bạn cần làm nóng gối trước khi chườm. Bạn có thể tham khảo và thực hiện theo các cách dưới đây.
4.1. Cách sử dụng gối ngải cứu
Để đảm bảo an toàn và nâng cao hiệu quả khi dùng gối ngải cứu, bạn có thể làm theo hướng dẫn dưới đây.
- Bước 1: Làm nóng gối: Lấy ruột gối ra khỏi vỏ gối rồi cho vào lò vi sóng hoặc chảo nóng. Để nhiệt độ ở mức 50-60 độ trong vòng 1-2 phút thì có thể lấy ra. Trước khi hâm nóng, có thể xịt vào gối một chút nước sạch để tăng độ ẩm cho gối. Ngoài ra, nếu không có lò vi sóng, bạn cũng có thể hấp cách thủy để làm nóng gối.
- Bước 2: Thử nhiệt độ của gối trước khi sử dụng. Cho ruột gối vào bên trong vỏ gối, nếu cảm thấy nhiệt độ cao quá có thể lót thêm một chiếc khăn ở bên trên. Bạn có thể thay đổi nhiệt độ gối bằng cách tăng/giảm thời gian quay lò vi sóng sao cho phù hợp.
- Bước 3: Đặt gối vào vị trí cần chườm, nằm đè lên gối để ngải cứu bên trong phát huy hết tác dụng.
- Bước 4: Hoàn thành chườm nóng: Sau khi gối ngải cứu đã nguội, bạn lấy gối ra và thay bằng gối ngủ để sử dụng như bình thường. Buổi sáng sau khi thức dậy, bạn massage nhẹ nhàng khu vực đã chườm tối hôm trước để cảm nhận sự thay đổi của cơ thể.
- Bước 5: Thực hiện chườm nóng bằng gối ngải cứu mỗi ngày khoảng 1-3 lần, chườm đến khi cơ thể bớt đau, cảm thấy dễ chịu hơn thì mới ngừng.
4.2. Cách bảo quản gối ngải cứu
Sau khi sử dụng gối ngải cứu xong, nếu không có nhu cầu sử dụng tiếp thì bạn nên cất gọn túi để dùng cho những lần tiếp theo. Do gối ngải cứu được làm bằng nguyên liệu thiên nhiên 100%, không có chất bảo quản nên bạn cần cất gọn trong túi bóng để hạn chế tình trạng ẩm mốc, đảm bảo chất lượng của gối.
Tránh để gối ngải cứu ở những nơi ẩm thấp sẽ khiến chất lượng gối bị ảnh hưởng, từ đó công dụng của gối cũng suy giảm. Bạn có thể đặt gối ở những nơi thoáng gió, có ánh sáng để giúp gối luôn được thơm tho, giữ được chất lượng như ban đầu.
Về cách vệ sinh gối ngải cứu, bạn chỉ nên phơi nắng từ 1-2 lần mỗi tháng, không giặt ruột gối với nước. Phần vỏ gối bạn có thể tháo rời và giặt sạch với xà phòng và nước như bình thường.
5. Lưu ý khi sử dụng gối ngải cứu
Gối ngải cứu mang đến nhiều công dụng hữu ích đối với người dùng. Tuy nhiên, nếu sử dụng sai cách hoặc mắc phải một số sai lầm khi dùng, gối sẽ không phát huy hết công dụng, thậm chí có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Khi dùng gối ngải cứu, bạn nên lưu ý một số vấn đề quan trọng dưới đây:
- Thận trọng với nhiệt độ khi sử dụng gối ngải cứu. Sau khi quay trong lò vi sóng, mức nhiệt có thể lên đến 60-70 độ, do đó bạn cần thử nhiệt độ trước khi chườm lên cơ thể, nếu không sẽ gây ra tình trạng phòng rộp, bỏng da rất nguy hiểm.
- Không chườm gối lên các vết thương hở vì có thể khiến vết thương lở loét, tình trạng vết thương trở nên nghiêm trọng hơn.
- Nếu dị ứng với ngải cứu hoặc các thành phần nguyên liệu trong gối ngải cứu thì không nên sử dụng gối.
- Nếu cơ thể bạn có các vùng da bị xung huyết đỏ thì có thể chườm lạnh gối ngải cứu thay vì chườm nóng. Bạn có thể cho gối vào túi nilon kín rồi đặt trong ngăn đá tủ lạnh từ 12-24 giờ, sau đó chườm lên cơ thể khoảng 15-20 phút thì ngừng.
- Sau khoảng 24 giờ chườm nóng bằng gối ngải cứu, nếu thấy cơ thể xuất hiện tình trạng sưng thì nên ngừng sử dụng sản phẩm.
- Gối ngải cứu chỉ phù hợp để sử dụng ngoài da, không dùng để uống hoặc sử dụng với mục đích khác.
- Gối ngải cứu là phương pháp điều trị dân gian, cần kiên trì sử dụng thì mới đạt được hiệu quả, không được nóng vội. Một liệu trình nên kéo dài ít nhất 2-3 tuần.
Gối ngải cứu có khả năng cải thiện giấc ngủ, giúp người dùng thư giãn, giảm đau nhức xương khớp, chăm sóc sức khỏe… Nếu bạn đang gặp một số tình trạng tương tự như vậy thì có thể tham khảo và áp dụng cách chườm gối ngải cứu, biết đâu vấn đề của bạn sẽ được giải quyết một cách đơn giản, hiệu quả lại khiến bạn phải bất ngờ.
XEM THÊM:
Có thể bạn quan tâm
Hướng dẫn cách chọn gối cho người thoái hóa đốt sống cổ an toàn, hiệu quả
Hướng dẫn nằm gối đúng cách để “ngủ ngon – ngủ khỏe”
Có nên nằm gối làm mát không? Ai nên nằm gối làm mát?
Gối đi máy bay loại nào tốt? Top 5 gối đi máy bay êm, chất lượng
Có nên nằm gối bông gòn không? Ưu và nhược điểm của sản phẩm
Tìm hiểu tất tần tật về gối chữ U bạn nên biết